Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Quỳnh (1677–1748) hay còn gọi là Trạng Quỳnh

Ngày đăng: 23/11/2021
Tóm tắt:

Nguyễn Quỳnh (16771748) hay còn gọi là Trạng Quỳnh

Nội dung:

Nguyễn Quỳnh (16771748) là một danh sĩ thời Trịnh (vua Lê Hiển Tông), từng thi đỗ Hương Cống nên còn gọi là Cống Quỳnh. Ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng nguyên.

Ông còn có tên Thưởng, hiệu Ôn Như, thụy Điệp Hiên, quê tại làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thân sinh ông là ông Nguyễn Bổng và bà Nguyễn Thị Hương.

Thuở nhỏ, ông học với ông nội và cha (vốn là giám sinh ở Quốc Tử Giám). Năm 1696, Quỳnh thi đỗ Giải nguyên, nhưng đi thi Hội nhiều lần bị hỏng.

Tuy không đỗ cao, Quỳnh vẫn nổi tiếng là người học hành xuất sắc. Đương thời đã có câu: "Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam" (nghĩa là thiên hạ không có người thứ ba giỏi như hai ông).Về sau, triều đình bổ nhậm ông làm giáo thụ các huyện Thạch Thất, Phúc Lộc (Sơn Tây), tiếp đến làm huấn đạo phủ Phụng Thiên ở kinh thành Thăng Long. Năm 1718, đỗ khoa Sỹ vọng được bổ làm tri phủ Thái Bình, rồi về làm Viên ngoại lang ở Bộ Lễ; sau bị giáng xuống chức Tu soạn ở Viện Hàn lâm.

Sách "Nam Thiên lịch đại tư lược sử" đã nhận xét về ông: "... Nguyễn Quỳnh văn chương nổi tiếng ở đời, nói năng kinh người, thạo quốc âm, giỏi hài hước...".

Tác phẩm còn lại của Nguyễn Quỳnh, gồm một số bài ký, văn tế mẹ, văn khóc em (vốn tài hoa, nhưng chết yểu ở tuổi 14) và hai bài phú chép trong tập: "Lịch triều danh phú". Lịch triều danh phú là tuyển tập của các danh sĩ thời bấy giờ, tất cả đều đỗ đại khoa, chỉ có hai người đỗ Hương cống là Nguyễn Quỳnh và Đặng Trần Côn.

Tương truyền ông là bạn thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Do tính cách trào phúng nên dân gian thường đồng hóa ông vào nhân vật Trạng Quỳnh - một ông Trạng dân gian nổi tiếng với tính trào lộng.

Để tôn vinh ông, nhà nước Việt Nam đã cho xây dựng nhà lưu niệm Trạng Quỳnh tại quê hương ông.(https://vi.wikipedia.org/)

Giai thoại Trạng Quỳnh

Quỳnh chưa bao giờ đỗ Trạng nguyên Nhưng ông có tính hay khinh mạn và ưa nhạo báng quan trường. Gặp lúc chúa Trịnh chuyên quyền. Trạng Quỳnh không màng công danh, thường đi đây đó và lấy thơ văn chọc ghẹo người đời.

Ông cũng từng phụng mạng đi sứ Tàu, tài biện bác làm cho sĩ phu Trung quốc phải kính phục. Đến nay, nhiều câu giai thoại về ông đã được phổ biến trong dân gian.

Miệng kẻ sang, đồ nhà khó

Khi Trạng Quỳnh còn nhỏ, có một viên quan huyện vừa gian tham, lại vừa hống hách. Mọi người trong dân làng, ai ai cũng căm ghét. Một lần Quỳnh trông thấy viên quan huyện đi hành hạt ghé vào quán nọ nghỉ trưa. Hắn ta ngồi chễm chệ còn miệng luôn luôn bỏm bẻm nhai trầu. Quỳnh định xỏ hắn một đòn chơi, mới mon men lại ngồi chực ở trước quán, và khi viên quan ăn trầu xong vứt bã đi, Quỳnh liền nhặt lấy giơ lên ngắm nghía, rồi bỏ vào túi. Quan huyện thấy lạ mắt, cho đòi Quỳnh lại hỏi tên tuổi, nghề nghiệp. Quỳnh xưng là học trò.

Viên quan bảo: “Học trò gì mà lẩn thẩn thế?”

Quỳnh thưa: “Bẩm, tôi thấy tục ngữ có câu: Miệng kẻ sang có gang có thép, nên tôi muốn xem gang thép ra sao?”

Viên quan thấy Quỳnh có ý mỉa mình liền nạt: “Nếu là học trò thì lập tức phải đối ngay câu tục ngữ ấy, không đối được ta sẽ đánh đòn!”

Quỳnh giả vờ sợ sệt: “Bẩm thế thì khó quá ạ!”

Viên quan được thể càng quát già: “Khó cũng phải đối, mau!”

Quỳnh bấy giờ mới thưa:

“Bẩm có sơ suất gì quan tha tội cho thì mới dám đọc ạ!”

Được hắn bằng lòng, Quỳnh liền lên giọng đọc to và rành rọt từng tiếng:

– Bẩm xin đối là: “Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm”.

Quan huyện thấy câu đối xỏ xiên quá, nhưng tục ngữ lại đối với tục ngữ mà chữ nào chữ ấy chọi nhau chan chát, thành ra không bẻ vào đâu được, đành trả tiền hàng rồi thét lính khiêng võng đi thẳng.

Tú cát – Bọ hung

Khi còn nhỏ, Trạng Quỳnh đã nổi tiếng thông minh và tinh nghịch. Một hôm có khách là ông Tú Cát đến chơi nhà, ông bố sợ Quỳnh nghịch mới bắt ra hầu trà. Khách thấy ông bố khoe con thông minh, liền ra một câu đối bắt Quỳnh đối:

“Trời sinh ông Tú Cát”.

Câu này có ý hợm hĩnh, kiêu căng. Quỳnh nghe tức mình bèn đối ngay rằng:

“Đất nứt con bọ hung”.

Vừa hạ khí thế của ông Tú lại vừa chơi chữ rất hay. (Cát là “lành” đối với hung là “dữ” ). Tú Cát thấy Quỳnh quả có tài mẫn tiệp khác thường, nên tuy giận mười mươi mà vẫn yêu,chẳng những không mắng mà còn giúp thêm tiền cho Quỳnh ăn học.(https://giaingo.info/trang-quynh-la-ai/)

Trích nguồn: "Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam" tác giả Ts. Nguyễn Văn Kiệm, NXB Hồng Đức xuất bản 2018

Thư viện ảnh