Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Xí (1396-1465) là công thần khai quốc nhà Hậu Lê

Ngày đăng: 05/07/2013

Nội dung:

Nguyễn Xí (1396-1465) là công thần khai quốc nhà Hậu Lê. Ông sinh ra ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, gốc người làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, Việt Nam, tên của ông còn được đặt cho một số con đường ở thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.

Tiểu sử:

Ông nội Nguyễn Xí là Nguyễn Hợp, cha là Nguyễn Hội. Nguyễn Hợp dời nhà đến sống tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Tại đây Nguyễn Hợp đã cùng Nguyễn Hội khai dân lập ấp, mở mang nghề làm muối. Nguyễn Hội sinh hai con trai: Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Cha con Nguyễn Hội và Nguyễn Biện thường chở muối ra bán ở vùng Lương Giang, huyện Thiệu Hoá - Thanh Hoá, do đó rất thân quen với Lê Lợi khi đó là phụ đạo ở Lam Sơn.

Năm lên 9 tuổi (1405), Nguyễn Xí đến gặp Lê Lợi lần đầu. Cùng năm ấy cha ông bị hổ vồ chết tại quê nhà Thượng Xá, ông theo anh đến làm người nhà Lê Lợi. Khi hơi lớn, Nguyễn Xí đã tỏ ra vũ dũng hơn người, được Lê Lợi quý như con cháu trong nhà.

Lê Lợi sai ông nuôi một đàn chó săn 100 con. Ông chia cơm, dùng hiệu chuông dạy chó rất tài, cả đàn răm rắp nghe theo lệnh. Lê Lợi cho rằng ông có tài làm tướng nên sai ông quản đội Thiết đột thứ nhất.

Đại phá Vương Thông ở Tốt Động:

Năm 1418, Lê Lợi xưng Bình Định vương phát động khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Xí cùng tham gia, lúc đó ông 22 tuổi. Ông thường theo hầu hạ bên Lê Lợi những lúc hiểm nghèo ở núi Chí Linh.

Tháng 8 năm 1426, sau khi làm chủ từ Thanh Hoá đến Thuận Hoá, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lê Triện ra phía Tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông bắc; Đinh Lễ, Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan.

Lê Triện tiến đến gần Đông Quan gặp Trần Trí kéo ra, liền đánh bại Trí. Nghe tin viện binh nhà Minh ở Vân Nam sắp sang, Triện chia quân cho Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả ra chặn quân Vân Nam, còn Triện và Đỗ Bí hợp với quân Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh Đông Quan (Thăng Long, Hà Nội).

Phạm Văn Xảo phá tan viện binh Vân Nam. Quân Vân Nam chạy về cố thủ ở thành Xương Giang. Vua Minh lại sai Vương Thông, Mã Anh mang quân sang tiếp viện. Thông hợp với quân ở Đông Quan được 10 vạn, chia cho Phương Chính, Mã Kỳ. Lê Triện, Đỗ Bí đánh bại Mã Kỳ ở Từ Liêm, lại đánh luôn cánh quân của Chính. Cả hai tướng thua chạy, về nhập với quân Vương Thông ở Cổ Sở. Lê Triện lại tiến đánh Vương Thông, nhưng Thông đã phòng bị, Triện bị thua phải rút về Cao Bộ, sai người cầu cứu Nguyễn Xí.

Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ đem quân đến đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động. Nguyễn Xí bắt được thám tử của Vương Thông, ông biết Thông định chia dường, hẹn nhau khi pháo nổ thì quân mặt trước mặt sau cùng đánh úp Lê Triện. Ông và Đinh Lễ bèn tương kế tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục Tốt Động, rồi đốt pháo giả làm hiệu cho quân Minh tiến vào. Quân Vương Thông thua to, Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan.

Vượt ngục Đông Quan:

Lê Lợi được tin thắng trận liền tiến đại quân ra bắc, vây thành Đông Quan. Nguyễn Xí được lệnh cùng Đinh Lễ mang quân vây phía nam thành.

Tháng 2 năm 1427, tướng Minh là Phương Chính đánh úp Lê TriệnTừ Liêm, Triện bị tử trận. Tháng 3 Vương Thông đánh trại quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ mang 500 quân thiết đột tiếp viện, đánh đuổi quân Minh đến My Động. Hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông bèn quay lại đánh, hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt mang về thành. Đinh Lễ không chịu hàng bị giết, còn Nguyễn Xí nhân một đêm mưa gió dùng mưu lừa quân gác ngục trốn thoát trở về. Lê Lợi thấy ông về mừng rỡ.

Sau đó ông lại cầm quân tham gia trận chiến Xương Giang tiếp ứng cho Lê Sát bắt được Hoàng Phúc, Thôi Tụ là đạo viện binh sót lại sau khi Liễu Thăng bị chém. Đó là trận thắng lợi kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn.

Sau đại thắng, vào ngày 24/4/1428, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Thuận Thiên (thuận theo ý trời). Nguyễn Xí trở thành một trong số đệ nhất khai quốc công thần, và được nhà vua thăng chức “Long hổ thượng tướng quân, suy trung bảo chính công thần”. Được ban quốc tính thuộc họ Lê gọi là Lê Xí.

Công thần 4 đời vua:

Năm 1428, Nguyễn Xí được phong chức Long hổ tướng quân Suy trung bảo chính công thần.

Năm 1429, khi khắc biển công thần, Nguyễn Xí được xếp hàng thứ 5, được phong làm huyện hầu.

Năm 1437 đời Lê Thái Tông, ông làm chức quan chính sự kiêm Tri từ tụng.

Năm 1442, vua Lê Thái Tông mất, ông cùng Trịnh Khả, Lê Thụ nhận di chiếu phò vua Lê Nhân Tông.

Năm 1445, vua Nhân Tông còn nhỏ, Nguyễn Thái hậu nhiếp chính, ông làm Nhập nội đô đốc, nhận lệnh cùng Lê Thận mang quân đi đánh Chiêm Thành, nhưng chưa đi thì bị quyền thần tố cáo tội lỗi nên bị bãi chức. Năm 1448 Nguyễn Xí được phục hồi chức thiếu bảo.

Tháng 10 năm 1459, anh Nhân Tông là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân giết vua lên ngôi, đặt niên hiệu Thiên Hưng. Các đại thần Đỗ Bí, Lê Thụ, Lê Ngang mưu lật đổ vua Thiên Hưng bị bại lộ đều bị giết. Nguyễn Xí bàn mưu với Lê Lăng (con Lê Triện), Lê Niệm (cháu nội Lê Lai) lật đổ Nghi Dân lần nữa.

Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1460 Nguyễn Xí phát động binh biến, chém bầy tôi thân cận của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban ở nghị sự đường, nắm lấy cấm binh, đóng chặt cửa thành, sai Lê Ninh Thuận bắt vây cánh và phế vua Thiên Hưng làm Lệ Đức hầu, rước con út của Thái Tông là Tư Thành lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Tháng 6 năm 1460, Nguyễn Xí được phong làm khai phủ nghi đồng tam ty, Nhập nội kiểm hiệu thái phó Bình chương quân quốc trọng sự Á quận hầu, giúp việc chính sự. Tháng 10 năm đó ông được phong làm Sái quận công.

Năm 1462, con Nguyễn Xí là Nguyễn Sư Hồi không hợp cánh với một số đại thần nên làm thơ vứt ra đường để vu cho họ làm loạn nhưng việc bị phát giác. Vua Thánh Tông nể công lao của ông nên không trị tội Sư Hồi.

Năm đó ông được phong chức Nhập nội hữu tướng quốc. Năm 1463 lại được phong chức thái uý.

Trong cuộc đời làm quan phụng sự 4 triều đại vua Lê, Nguyễn Xí đã chứng kiến, thậm chí nếm mùi cay đắng và những thách thức chốn quan trường. Song ông vẫn một lòng một dạ trung trinh - được mệnh danh là người khai quốc công thần, mở mang đất đai bờ cõi non sông, bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại. Không chỉ là một võ tướng tài ba, Nguyễn Xí còn là một nhà chính trị lỗi lạc đối với quốc nội và quốc ngoại thời kỳ đó. Ông đã có vai trò khá quyết định trong nhiều chính sách tiến bộ: chia quân ra làm 5 phiên, chỉ để một phiên tại ngũ còn lại cho về làm ruộng theo đường lối: động vi binh tĩnh vi dân (khi động thì làm lính, khi tĩnh thì làm dân) cho dân những nơi không có ruộng đất đến cày cấy ở những nơi thừa ruộng đất, cấm không được giữ đất để bỏ hoang, cho miễn thuế, miễn mọi thứ tạp dịch phu phen nhằm tạo sự an cư lạc nghiệp cho nhân dân ở các vùng mới khai phá...Bên cạnh đó ông còn có công lớn trong việc cảm hóa hàng binh Ngô, Minh, Chiêm Thành, tậu ruộng để họ sinh sống. Từng bước chuyển họ từ thân phận hàng binh nô lệ thành những công dân của nước Việt Nam. Về sau trong đại gia đình thuộc con cháu của Ngài Cương Quốc Công, ngoài 15 chi họ là con cháu đích thực, còn 3 chi họ con nuôi, chính là con cháu người Việt gốc Minh, gốc Chiêm, đã được ông thương yêu cảm hóa.

Những năm cuối đời phục vụ vương triều nhà Lê, lại là những năm tháng vinh quang của Ngài. Ông được vua Lê Thánh Tông hết lòng thương yêu và kính trọng. Trong lịch sử phong kiến nước nhà hiếm có một bề tôi nào lại được nhà Vua kính yêu, chăm sóc chu đáo đến tận những ngày cuối đời như ông. Lê Thánh Tông còn viết bài Chế dụ dành tặng cho Nguyễn Xí với lời lẽ hết sức trân trọng: "Xét Nguyễn Xí đây khí độ trầm hùng, tính người cương đại...Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như nước chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều ngưỡng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh..."

 

Ngày Giáp thìn 30 tháng 10 năm ất Dậu (1465) Nguyễn Xí tạ thế hưởng thọ 69 tuổi. Nhà vua khi nghe tin đã bỏ ba ngày ngự triều và than rằng: "Từ khi khai quốc đến nay chẳng ai được như ngươi". Linh cửu của ông được quản tại điện kính thiên. trước ngày phát tang các quan văn võ đại thần đều hội tế theo nghi lễ quốc tang. Sau đó chuyển linh cửu về quê nhà ở Thượng Xá để an táng. Nhà vua còn truy tặng ông tước "Thái Sư cương quốc công, đặc ân khai quốc, Thụy Nghĩa vụ". Đến các triều vua sau tiếp tục phong cho ông mức cao nhất là "Thưởng thượng đặng tôn thần".

Với những cống hiến lớn lao cho đất nước, cho nhân dân, Nguyễn Xí đã được tôn vinh không chỉ lúc sinh thời với những chức phận trọng yếu khác nhau và cả sau khi qua đời công lao của ông vẫn được tỏa sáng. Hai năm sau khi ông mất nhà vua cho dựng đền thờ ông theo chế độ quốc lập (nhà nước dựng nên) và Quốc tế (nhà nước tế tự), sai trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia để khắc vào đá. Đền thờ Nguyễn Xí được trùng tu quy mô nhất vào những năm 20 của thế kỷ XX do sự điều khiển của vị quản tộc là Tú tài hàn lâm viện đại chiếu Nguyễn Huy Côn (theo Le Brton – Levieux An Tĩnh). Hiện tại, đây là khu di tích  vào loại nguy nga nhất trên đất Nghệ An, được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích lịch sử – Văn hoá năm 1990. Hàng năm vào dịp 30  tháng giêng, mồng 1, mồng 2 tháng 2 âm lịch Huyện Nghi Lộc cùng với  UBND xã Nghi Hợp và dòng họ Nguyễn Đình đã long trọng tổ chức lễ mừng công để tưởng nhớ đến vị danh thần kiệt xuất của dân tộc Cương quốc công Nguyễn Xí.

Nguyễn Xí, đã từ một danh tướng, một danh nhân trở thành một danh thần. đối với lịch sử phong kiến ông không chỉ là một Thái Sư Cương Quốc Công mà trong dân gian, ông còn được huyền thoại hoá, vũ trụ hoá để vĩnh hằng hoá. Huyền thoại hoá thể hiện trong truyện kể cái chết bị hổ vồ của vị thân phụ Nguyễn Xí để có ngôi mộ hổ táng cho sự phát đạt một dòng họ. Vũ trụ hoá là trong việc gắn công lao sự nghiệp Nguyễn Xí với núi non quê hương xứ sở. Thiết nghĩ những tên núi ở quê hương Nguyễn Xí như núi Cờ (Kỳ Sơn), núi Mão (Mão Sơn), núi Gươm, núi Voi hẳn là đã được nhân dân trong vùng đặt ra sau khi có danh nhân danh thần Nguyễn Xí.

Uy danh của vị danh thần này đã vượt muôn ngàn núi non, trải qua bao biến thiên của lịch sử vẫn luôn được người đời đời sau ngưỡng vọng.Trong đền thờ ngài ngày nay, ngoài hoành phi câu đối của vua Lê Thánh Tông, còn có rất nhiều hoành phi do con cháu và khách thập phương cung phụng: "Bát loạn yên dân, nguyễn tướng uy hùng dương Bắc địa/ Bình Ngô khai quốc công thần cảnh liệt chấn Nam thiên" (Dịch nghĩa: "Tướng quân dẹp loạn yên dân vang lừng trên đất Bắc/ Trung thần bình Ngô dựng nước, oanh liệt rộn trời Nam".

Với tư cánh là một nhân vật lịch sử có tầm vóc lớn ông đã được tôn vinh dưới nhiều hình thức khác nhau. Ông vừa là nguồn cảm hứng sáng tác  trong văn chương vừa là một trong những người được biểu dưông công trạng bằng sử sách, thư tịch như: tộc phả,bi ký, thần tích, sử học…Điều đặc biệt nhất với ngài đó là đôi câu đối được vua Lê Thánh Tông ban tặng, được treo trang trọng ở điện thờ chính của ngài ngày nay: Hà nhật tinh thiên thu chính khí/ Phụ tử huynh đệ vạn cổ anh phong” (Dịch nghĩa: Sông núi trời sao ngàn thu hùng khí/ Cha con anh em muôn thủa anh hào).

Cũng tại ngôi đền thờ này,để tỏ lòng ngưỡng vọng tới công đức Thái Sư các thế hệ con cháu đã trang trọng đặt bức tượng Đồng ghi tạc hình dánh của ngài ngay tại gian chính của điện thờ. Bức tượng là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Vừa mang vẻ đẹp uy nghi, với những nét kiến trúc tinh xảo, vừa làm nổi bật được uy danh của vị danh tướng kiệt xuất Xứ Nghệ, xứng đáng với tầm vóc, công lao to lớn của người đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

 

Theo Đại Việt thông sử, ông có 16 người con trai và 8 người con gái. Con cháu Nguyễn Xí về sau theo giúp nhà Lê trung hưng.

 

 

 
 Đền thờ Nguyễn Xí tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An

 

 

 

(Nguồn: wikipedia.org; .truyenhinhnghean.vn)

Thư viện ảnh