Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Nguyễn Tuấn - Tản Viên Sơn Thánh - Biểu tượng ông Tổ họ Nguyễn Việt Nam

Ngày đăng: 16/02/2015

Nội dung:

 “Sơn bất tại cao, hữu thần / tiên tắc linh” (dịch: Núi không phải chỉ do cao, cứ có thần tiên là núi thiêng). Đó là một trong những nguyên lý phổ quát của tư tưởng phương Đông, trong đó có Việt Nam. Từ xa xưa, trong tâm thức cộng đồng người Việt cổ Kinh - Mường, núi Ba Vì / núi Tản / Tản Viên - là ngọn Núi Thiêng / Núi Chúa trấn ngự cả vùng châu thổ Bắc Bộ từ thủa Hùng Vương - Đại Việt/và cả hiện nay. Núi Tản Viên/Ba Vì có ba ngọn cao vót, hình tròn như cái tán, trên núi có đền thiêng,  được khắc hình tượng vào Thuần đỉnh - một trong Cửu đỉnh đức vào năm Minh Mệnh thứ 17, đặt trước Thế Miếu – Đại Nội – Huế. Núi Ba Vì / núi Tản / Tản Viên trở nên linh thiêng bởi / nhờ có một vị thần chủ là Sơn Tinh - Thánh Tản, hóa thân của một chàng trai tên là Nguyễn Tuấn.

Sự tích / lý lịch Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh được ghi chép trong các ngọc phả / thần tích ở nhiều ngôi đền/ miếu thờ Tản Viên Sơn Thánh ở nhiều nơi trong địa bàn các huyện Ba Vì (Hà Nội), Thanh Thủy, Thanh Sơn, Lâm Thao, Tam Nông, Phù Ninh của tỉnh Phú Thọ, và được phản ánh trong trong truyền thuyết thời Hùng Vương.

 

 Cổng lên đền Thượng trên đỉnh Ba Vì. Ảnh Nguyễn Minh San

Trong các ngọc phả / thần tích ở các ngôi đền/miếu thờ Tản Viên Sơn Thánh, thì bản Tản Viên sơn ngọc phả của đền chính thờ thần núi Tản Viên ở núi Tản Viên, nay thuộc xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội chép vào cuối thời Hùng Vương là bản cổ và đầy đủ nhất về cuộc đời và hành trạng của Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh. Bản ngọc phả kể rằng, có vợ chồng vị trưởng lão họ Nguyễn ở Sơn Tây cả đời sống hiền lành nhân đức. Một lần nhìn thấy rồng hiện xuống hút nước, lão bà bỗng thấy trong người cảm động, về nhà mang thai, sau 14 tháng sinh con trai đặt tên là Nguyễn Tuấn (còn gọi là Nguyễn Tùng). Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi thì cha qua đời, hai mẹ con tới ở nhờ bà Ma Thị Cao (bà là con gái thần núi Tản Viên). Nguyễn Tuấn được bà Cao nhận làm con nuôi. Một hôm, Nguyễn Tuấn lên núi chặt cây, gặp thần Thái Bạch, được thần trao cho một cây gậy và dạy cho một câu thần chú để cứu đời. Sau đó chàng lại cứu sống một con rắn nguyên là con Long Vương bị trẻ chăn trâu đuổi đánh, được Long Vương đền ơn biếu một cuốn thiên thư, xem có thể hiểu thấu mọi việc trên trời dưới đất. Bấy giờ mẹ nuôi thấy chàng vừa có tài, lại có hiếu, trước lúc qua đời đã làm di chúc trao cho chàng quyền cai quản muôn vật ở núi Tản Viên. Gặp khi vua Hùng Duệ Vương có nàng công chúa Mị Nương Ngọc Hoa xinh đẹp đến tuổi cập kê, vua đang yết bảng kén rể hiền. Bấy giờ Nguyễn Tuấn (tục gọi Sơn Tinh) và vua hồ Động Đình là Thủy Tinh cùng đến cầu hôn. Vua cho thi tài, nhưng cả hai đều có tài nghệ cao cường như nhau, vua không quyết được, hẹn rằng hôm sau ai đem lễ vật đến tới trước thì được chọn lấy công chúa. Sơn Tinh nhờ có sách và gậy thần nên kiếm được sính lễ mang đến trước, được vua gả công chúa và cho đón về núi Tản Viên.  Thủy Tinh đến muộn vừa tiếc vùa giận, vội trở về đem quân gồm các loài thủy tộc dâng nước lên đánh Sơn Tinh. Sơn Tinh cùng Duệ Vương căng lưới sắt ở bến Thụy Tân, huyện Từ Liêm chống lại. Hai bên đánh nhau quyết liệt, cuối cùng Thủy Tinh bị thua. Không cam chịu thất bại, quyết trả thù Sơn Tinh, cứ vào tháng 8 hàng năm, Thủy Tinh lại dâng nước lên đánh, gây ra lụt lội tàn phá cả một vùng rộng lớn quanh chân núi Ba Vì, gây cho nhân dân nhiều thiệt hại.

Về sau vua Thục đem quân sang đánh Hùng Duệ Vương. Vua lại sai thần Tản Viên đi đánh dẹp. Nhờ có gậy thần, Tản Viên Sơn Thánh phá được quân Thục. Vua Hùng thấy chàng là người tài giỏi bèn trao cho quyền trị nước. Sơn thánh chỉ nhận chức ấy trong mấy tháng rồi xin vua cho đi chu du các nơi trong nước. Về sau, vua Thục sang cầu hòa. Tản Viên sơn thánh cho rằng vua Thục với Vua Hùng cùng một dòng dõi, nên khuyên vua Hùng nhường ngôi cho vua Thục. Rồi đó, vợ chồng Tản Viên Sơn Thánh cùng với Hùng Duệ Vương cưỡi mây bay về trời. Thục Vương cảm ơn ấy bèn lập đền thờ. Đời sau gọi thần núi Tản Viên là vị Tổ của bách thần nước ta”. (Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam – Bảng tra cứu các tài liệu thư tịch Hán Nôm, Nxb KHXH, Hà Nội 1991, Tr 600).

 

 

Bàn thờ Tản Viên Sơn Thánh trong đền Thượng trên đỉnh Ba Vì. Ảnh Nguyễn Minh San

 

Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, kể rằng: Vua Hùng thứ 18 sinh được 20 người con trai và 6 nàng con gái lần lượt qua đời, chỉ còn lại Tiên Dung công chúa và Ngọc Hoa công chúa. Tiên Dung đã lấy Chử Đồng Tử còn Ngọc Hoa chưa lấy ai. Ngọc Hoa xinh đẹp da ngà mặt ngọc, xinh đẹp tuyệt với, được vua cha rất yêu quí. Vua Hùng lập lầu kén rể. Sơn Tinh và Thủy Tinh nghe tin, cùng tìm đến thi tài. Sơn Tinh, Thủy Tinh đều có tài nghệ hơn người, hình dung tuấn tú. Trước lầu cao có vua Hùng và Ngọc Hoa ngự. Thủy Tinh thi trước, ra oai gọi gió, hô mưa, chợt thấy mưa rơi sầm sập, sấm nổ vang ầm ĩ, trời đất tối tăm, bốn bề nước réo, cây nghiêng núi ngả, muôn loài đều khiếp sợ, người và muông thú vội tìm chỗ trú ẩn cho kín, ai nấy nín hơi ngậm miệng không dám ló ra. Đến lượt Sơn Tinh, chàng giơ cao chiếc gậy thần, lập tức sét câm, mưa trốn, trời trong mây sáng, cây cỏ lại xanh tươi, chim hót hoa cười, rõ ra cảnh tượng mùa xuân hòa vui ấm áp. Vua Hùng thấy cả hai chàng trai đều có tài lạ, không biết gả Ngọc Hoa cho ai, trong dạ phân vân, mới thách đồ dẫn cưới phải có “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” và hẹn rằng ngày mai ai đem đồ lễ tới trước thì sẽ được đón công chúa về làm vợ. Cả hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh vái tạ nhà vua, vội vã ra về lo sửa soạn đồ sính lễ.

Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao ở lan can đền Thượng trên đỉnh Ba Vì. Ảnh Nguyễn Minh San

Sơn Tinh, nhờ có cuốn sách ước vua Thủy Tề tặng, nên tuy ở ngay tại thành Phong Châu, nhưng chỉ việc mở sách ước ra là có đủ các vật quí, lạ của núi rừng sông bể, đủ cả “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” như vua Hùng đã thách. Trời chưa sáng, Sơn Tinh sợ trùng trình Thủy Tinh kéo đến, mới giả tiếng gà gáy. Tức thì, gà khắp vùng gáy theo inh ỏi. Cửa thành mở rộng. Sơn Tinh vào chầu vua Hùng, tiến dâng lễ vật và được vua Hùng cho đón Ngọc Hoa về nhà trai. Đám rước dâu vừa tới làng Trẹo (nay là thôn Triệu Phú, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, gần Đền Hùng) thì gặp Thủy Tinh đang đốc thúc quân gia khiêng các lễ vật tới. Thấy Sơn Tinh đã đón Ngọc Hoa, Thủy Tinh nổi giận đùng đùng, vứt tung lễ vật rơi vãi khắp nơi, rồi thét quân xông tới cướp Ngọc Hoa. Hai bên giao chiến một trận dữ dội. Lúc đó trời đất bỗng tối sầm, chỉ thấy ánh chớp sáng lòe, tiếng sét đánh inh tai, tiếng hò reo vang dội  một vùng rộng lớn. Trong đám loạn quân, Ngọc Hoa bị lạc, không thấy Sơn Tinh đâu, mới cất tiếng hú gọi chồng (hiện nay, thôn Triệu Phú có tục cầu tiếng hú, để nhắc lại tiếng hú của Ngọc Hoa gọi chồng thủa nào). Trong lúc đang ra sức chống đỡ  Thủy Tinh, nghe tiếng hú của vợ, Sơn Tinh vội đi tìm Ngọc Hoa. Tới chiều tối mới mở được đường máu, đưa Ngọc Hoa về núi Tản. Không cam tâm để mất Ngọc Hoa, Thủy Tinh liền nổi sóng dữ thét quân đuổi theo. Sơn Tinh đưa vợ lên tít ngọn núi Tản. Bấy giờ sóng vỗ nghiêng trời, nước dâng ngập đất, các loài thủy tộc múa may nhảy nhót theo nước dâng tiến lên. Nước vỗ đồng bãi tràn rừng quật núi, sông nước réo lên ầm ầm, mưa đổ như trút, chớp lòe sấm động đất như nghiêng, trời như đổ, bốn bế nước đục mênh mông. Sơn Tinh ra sức chống cự, cùng với nhân dân và các bộ hạ đắp đất, lao gỗ để chặn nước. Nước dâng tới đâu, Sơn Tinh lại hóa phép dâng đất lên cao hơn. Thủy Tinh thấy đánh mãi không được, nổi giận mở một con đường nước xoáy thẳng vào chân núi Tản (dấu tích còn lại đến ngày nay là ngòi Lạt ở địa phận huyện Thanh Sơn, chảy giữa hai xã Tu Vũ huyện Thanh Thủy, Lương Nha huyện Thanh Sơn, hướng chảy thẳng vào núi Chẹ trước núi Tản, cách núi bởi con sông Đà). Sơn Tinh vội gánh đá đổ thành một hòn núi lớn phía trước núi Tản chặn đứng mũi nước xoáy của Thủy Tinh (dấu tích hiện còn là hòn Núi Chẹ là một dãy núi đá vôi đứng bên bờ sông, ngay trước núi Tản, như một bức bình phong che cho núi Tản). Nước ở thượng nguồn lại sầm sập lao về. Sơn Tinh thả lưới sắt, giăng chông đá ngang sông để đánh bắt quân Thủy Tinh (dấu tích nay là bãi Đá Chông, một bãi đá dựng lởm chởm dăng ngang dòng sông Đà, thẳng tới xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy). Hai em của Sơn Tinh là Nguyễn Hiển và Nguyễn Sùng là Tả hữu lâm thần hai bên bờ sông Đà hô ném các loại cây đắng có chất độc như cây mền dẻ, cây thàn mát xuống nước. Quân Thủy Tinh bị trúng độc, xác nổi đặc mặt sông, Thủy Tinh thua to, vội vã rút quân về. Từ đấy, cứ hàng năm, vào tháng sáu, tháng bẩy âm lịch, nước lại dâng to ở các sông gây lụt lũ. Nhân dân nói đó là Thủy Tinh nhớ mối thù cũ, dâng nước đánh Sơn Tinh. (Tổng tập Văn nghệ dân gian đất Tổ, Tập 1, Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao Phú Thọ và Hội Văn nghệ dân gia Phú Thọ, năm 2000, tr 119-122).

Truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh có nhiều dị bản, trong đó có một số dị bản sau: Động Lăng Xương có hai anh em Nguyễn Cao Hành và Nguyễn Cao Ban, tuổi đã cao mà chưa có con. Người anh là Nguyễn Cao Hành có nuôi một  người cháu ruột của vợ mình tên là Đinh Thị Điên và ăn nằm với người cháu này. Đinh Thị Điên có mang, đẻ được một người con trai, đặt tên là Tuấn / Nguyễn Tuấn. Vợ chồng người em Nguyễn Cao Ban cũng sinh được 2 người con trai, đặt tên là Hiển / Nguyễn Hiển và Sùng / Nguyễn Sùng. Trong thời gian mang thai những khi Đinh Thị Điên đi làm đồng thường vẫn có mây lớn che đầu. Một hôm bà đang cấy lúa, chợt thấy trong người cảm động, biết là sắp sinh nở, bỏ các cây mạ, tìm giếng rửa chân tay. Rửa xong, về tới nhà thì đẻ. Từ lúc cấy cho tới lúc đẻ vẫn có mây lành che đầu. Hiển và Sùng 12 tuổi thì cả cha lẫn mẹ mất. Người cậu ruột đưa cả hai anh em sang chân núi Tản ở với người đàn bà hủi họ Bùi, có họ mà không có tên. Vào năm Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi, thì bố mất, mẹ yếu. Tuấn sang ở với bà họ Bùi. Ba năm sau, Nguyễn Tuấn quay về ở với mẹ, đổi tên là Tùng/Nguyễn Tùng. Một hôm Nguyễn Tùng nghĩ bụng hai mẹ con ở hai nơi khó chăm sóc, mới đưa mẹ đẻ sang núi Tản cùng ở với mẹ nuôi họ Bùi kia. Từ đấy, ba anh em Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hiển và Nguyễn Sùng cùng ở với hai mẹ, sum họp một nhà ở chân núi Tản. Một năm sau, bà Đinh Thị Điên qua đời.

 Một dị bản khác, kể rằng: Hùng Duệ Vương tuổi già mà không có con nối dõi. Thục Phán là chủ đạo bộ Ai Lao, vốn người kiêu dũng, cho rằng vận nhà Hùng đã hết, sợ rằng ngôi vua sẽ về tay Sơn Tinh là con rể vua Hùng, mới nổi quân về đánh vua Hùng. Quân Thục chia làm 5 đạo thủy bộ cùng tiến, thế mạnh như vũ bão, các đồn lũy của vua Hùng không chống cự nổi. Hùng Duệ Vương vô cùng lo sợ, truyền gọi con rể Tản Viên về triều, hỏi mưu kế, rồi trao quyền đánh dẹp quân Thục cho Tản Viên. Tản Viên Sơn Thánh và hai em là Tả hữu lâm thần Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng (truyefn thuyết ở xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, kể là Cao Sơn và Quý Minh – người trang Thanh Uyên, là hai anh em kết nghĩa với Tản Viên, đã chiêu mộ được hơn hai trăm người về giúp Tản Viên đánh Thục), đưa hơn ba nghìn người vùng sông Đà về nhận mệnh vua, rồi tiến quân qua sông Thao, đóng trại ở các làng Cổ Tiết và Quang Húc (nay thuộc huyện Tam Nông). Tản Viên xin nhà vua ban chiếu cầu người tài giỏi ra giúp nước. Vua Hùng nghe theo. Người người kéo về Phong Châu, theo Tản Viên Sơn Thánh đánh Thục nhiều lần, thu được thắng lợi to.

Sách Đại Nam nhất thống chí, thời Nguyễn, ghi chép lai lịch Đền thần Tản Viên, như sau: “Thần có ba vị: một vị tên là Nguyễn Hương, một vị tên là Nguyễn Tuấn, một vị tên là Nguyễn Lang. Có thuyết nói: thần tên là Hương Lang con Lạc Long Quân. Đời Đường Nghiêu nước lớn ngập cả núi gò, Hương Lang có phép tiên, trừ được nạn lụt, sau lại đánh tan được quân nhà Tần, bèn đi khắp nơi xem xét danh thắng đến núi Tản Viên, dựng cung điện để ở, sau người ta lập đền thờ. Sơn thần rất thiêng, thường có hạc múa, voi quì, rồng chầu, hổ phục. Cao Biền nhà Đường có ý muốn yểm, nhưng không yểm được, đời Thái Ninh Đường Ý Tông ban cho tiền của để sửa lại đền, nay đền vẫn còn, các triều đều có phong tặng. Xét Lĩnh Nam trích quái chép rằng: Hùng Vương có con gái là Mỵ Nương, muốn tìm người lứa đôi, một hôm có hai người cùng đến cầu hôn, Sơn Tinh và Thủy Tinh. Hùng Vương hẹn với hai người rằng ai đưa sính lễ đến trước thì được lấy Mỵ Nương. Ngày hôm sau, Sơn Tinh đem đủ lễ vật đến trước, đón Mỵ Nương về núi Tản Viên. Thủy Tinh đến sau, bèn đem các loài thủy tộc đuổi theo. Sơn Tinh liền hóa phép thần, Thủy Tinh không sao xâm phạm được. Tương truyền Sơn Tinh tức là Nguyễn Tuấn. Lời phụ lục trong Dư địa chí của nguyễn Trãi nói: Thần núi Tản Viên linh thiêng lạ thường, vua Lý Nhân Tông sai thợ dựng đền ở ngọn thứ nhất trên núi, có lầu 12 tầng”. (Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, T4, 1997, tr 237- 238).

Lai lịch của Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh không chỉ phản ánh trong các bản ngọc phả/thần tích, truyền thuyết thời Hùng Vương, mà còn được phản ánh trong lịch sử các làng nghề ở nước ta. Trong các bản lịch sử này, Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh được khẳng định là một vị thủy tổ của rất nhiều nghề. Sách Lược truyện Thần tổ các ngành nghề, viết: “Thánh Tản Viên, còn gọi là Sơn Tinh, qua truyền thuyết dân gian được tôn là vị thần bách nghệ đã dạy dỗ nhân dân từ việc trồng cây, đánh cá đến các môn võ nghệ, múa hát. Sự tích của thần có nhiều dị bản khác nhau, nhưng có thể tóm tắt, như sau: Thần là con của ông Nguyễn Cao Hạnh và bà Đinh Thị Điên ở động Lăng Xương bên bờ sông Đà (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Thần có tên là Nguyễn Tuấn, được trời cho gậy thần và sách ước. Thần được lấy công chúa Ngọc Hoa, con vua Hùng Duệ Vương. Cuộc hôn nhân này đã đưa đến mối thù truyền kiếp: cuộc chiến tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh kéo dài: “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”. Sơn Tinh cũng giúp vua Hùng đánh nhau với nhà Thục, trận nào cũng thắng. Vua Hùng già yếu, truyền ngôi cho Sơn Tinh. Sơn Tỉnh chỉ làm vua 3 năm rồi truyền ngôi cho Thục Phán, để về núi Tản. Từ đó, thần đi khắp mọi miền đất nước, dạy nhân dân làm ăn sinh sống”. (Lược truyện Thần tổ các ngành nghề - Nxb KHXH, Hà Nội 1990, tr 16 – 20). Một số ngành do vợ chồng Tản Viên Sơn Thánh truyền dạy, được sách này ghi lại, có: Dạy dân làm ra lửa, làm ruộng, săn bắn, dạy dân kéo vó, dạy dân luyện võ, dạy dân dệt lụa, dạy dân múa hát.

Tuy có nhiều ghi chép khác nhau về lai lịch của Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh như nêu ở trên, song xuyên suốt trong các bản ghi chép ấy là khẳng định vị thần chủ núi Ba Vì – Sơn Tinh / Tản Viên Sơn Thánh ấy chính là hóa thân của một người họ Nguyễn, tên là Tuấn, sinh ra ở động Lăng Xương xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, vào đời Hùng Vương thứ 18. Nguyễn Tuấn có cha, có mẹ, có vợ là Ngọc Hoa – công chúa của Hùng Vương thứ 18. Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh có vị trí cao trong tâm thức người Việt  cổ, có ảnh hưởng rất lớn với triều đình Hùng Vương thứ 18, với xã hội Văn Lang thủa sơ khai. Nguyễn Tuấn - vừa là anh hùng văn hóa / vị thần trị thủy chiến thắng lũ lụt/ thần tổ dạy cho dân nhiều nghề; vừa là thủ lĩnh quân sự kiệt xuất / vị thần chiến tranh chống Thục, lại cũng là một nhà chính trị khôn ngoan nhìn xa trông rộng / vị thần khuyên vua Hùng nhường ngôi cho vua Thục và lên núi “dưỡng nhàn”.

Để ghi nhớ công lao sinh thành và nuôi dưỡng Nguyễn Tuấn trở thành vị thần chủ núi Ba Vì – Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh, nhân dân ta đã lập đền thờ thân Mẫu của Ngài ở Lăng Xương (nay là xóm Lăng Xương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), gọi là đền thờ Thánh Mẫu. Đền này có một tượng hổ bằng đá, một tảng đá có 2 vết lõm, tục truyền đó là dấu tích đầu gối mẹ Tản Viên quỳ xuống khi sinh nở đức Thánh Tản/Tuấn, và có cái giếng bà tắm cho Tản Viên. Ngoài đền Lăng Xương, Thánh Mẫu – mẹ Tản Viên còn được thờ ở một số nơi khác, như: Đình Cả (thuộc xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), Tản Viên được thờ ở chính điện, hai bên thờ Mẫu (mẹ và vợ đức Thánh Tản), gọi là “Tam vị tôn thần”. Cũng ở xã Tất Thắng, cách đình Cả 2km  có miếu thờ Thánh Mẫu thuộc cánh đồng Móng, nơi giáp ranh giữa hai xã Tất Thắng và Cự Đồng (huyện Thanh Sơn) hiện còn hòn đá xanh thẫm (dài 95cm, rộng 50cm, dầy 450cm) có in hình bàn chân phải người phụ nữ, tương truyền rằng đó là bàn chân Thánh Mẫu đi qua nơi đây khi mang thai Tản Viên. Tại đền Và (Hà Tây cũ) – ngôi đền có từ thời nước ta thuộc ách đô hộ của nhà Đường, trong đền, ngoài bài vị đức Thánh Tản, còn có bài vị bà Đinh Thị Đen là mẹ của Sơn Tinh, và bài vị của hai anh em ruột con chú của Tản Viên là Cao Sơn và Quí Minh.

Với những công lao to lớn với dân, với nước, Nguyễn Tuấn - Tản Viên Sơn Thánh, được tôn phong là vị Tổ của bách thần nước ta, một trong “Tứ bất tử” của thần linh nước Việt, được nhân dân ta lập đền thờ ở nhiều nơi (chỉ riêng ở Phú Thọ hiện nay có 56 nơi/làng thờ Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh. Hầu hết các làng Mường ở Phú Thọ đều lập Thánh Tản làm Thành hoàng làng và thờ ở đình. Sơn Tinh, Tản Viên, Tản Viên Sơn có chỗ ghi là thiên thần, có chỗ ghi là nhân thần, kỳ thực vẫn là một người - Nguyễn Tuấn). (Vũ Kim Biên - Văn hiến làng xã vùng đất Tổ Hùng Vương - Trung tâm tư liệu UESCO Việt Nam và Sở VHTT Phú Thọ xuất bản năm 1999, tr 526-527 - 258). Điển  hình là ba ngôi đền thờ Ngài ở núi Tản Viên, là: Đền Thượng ở trên đỉnh núi là đền chính, thờ Đại vương Nguyễn Tuấn (tức Tản Viên Sơn Thánh) khởi dựng từ thời Bắc thuộc, trùng tu vào đời Đường Ý Tông (860- 874), xây dựng lại vào đời Lý Thần Tông (1073-1128). Đền Trung ở sườn núi, xây từ thời Lý, sau này dưới triều Minh Mạng được Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu. Đền này, ngoài Đại Vương Nguyễn Tuấn ra còn thờ vị sơn thần khác là Nguyễn Hương và Nguyễn Lang. Đền Hạ dưới chân núi cũng thờ Sơn Thánh Tản Viên.

Tại các di tích thờ Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh trên cả một vùng rộng lớn quanh dãy núi Ba Vì, ngã ba sông Hồng, sông Đà thuộc địa phận các tỉnh Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình, hàng năm nhân dân đều tổ chức lễ hội. Tiêu biểu phải kể đến một số lễ hội, như:

- Hội đền Và: tổ chức lễ hội lớn vào ngày Rằm tháng giêng, là hội về Thánh Tản lớn nhất, nức tiếng Xứ Đoài. Vào năm đại hội, các làng có liên quan đến Thánh Tản và Đền Và (có 8 làng: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trại, Dạm Trại (xã Trung Hưng), Phù Sa, Phú Nhi (xã Viên Sơn), và làng Di Bình (xã Vĩnh Thịnh – huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc). Hội bắt đầu từ ngày 13 đến hết 15 tháng giêng, với đám rước lớn ngày 14. Ngoài hội Xuân này, tại Đền Và còn có hội Thu vào ngày 14 tháng 9 âm lịch, tiêu điểm là hội đả ngư / đánh bắt cá cầu may.

- Hội đền Măng Sơn (ở xã Sơn Đông, Hà Tây cũ): hàng năm mở hội vào ngày 6 tháng Giêng để tưởng niệm đức Thánh Tản đã dạy dân làng nghề săn bắn. Hội được tổ chức dưới hình thức té và rước nước.

- Hội Dô ở Liệp Tuyết (Quốc Oai – Hà Tây cũ) cũng tưởng niệm Thánh Tản vào ngày 10 tháng giêng.

- Lễ hội làng Khê Thượng (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì) hàng năm mở hội Thánh Tản vào ngày mồng 3 đến 7 tháng giêng (còn gọi là tục Rước chúa trai – rước Thánh Tản sang sông để chúc tết bố vợ rồi mới quay về ăn tết với dân làng. Trong lúc Khê Thượng mở hội Rước chúa Trai thì đồng thời làng Vi, làng Trẹo (huyện Phù Ninh- Phú Thọ) cũng mở hội Rước chúa Gái - tức nàng Ngọc Hoa công chúa, dựa theo truyền thuyết Ngọc Hoa về thăm  cha lâu ngày không trở lại nên Tản Viên phải sang đón và được hai làng Vi, Trẹo tôn kính, giúp đỡ.

Sự thờ phụng Đức Thánh Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh trên đây bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thần núi chủ cộng với tục thờ người có công với dân với nước. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta một lòng tôn kính, ngưỡng mộ Đức Thánh Nguyễn Tuấn – Thánh Tản, bởi họ tìm thấy ở Ngài phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quê hương mình. Đức Thánh Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh trở nên Bất Tử trong đời sống văn hóa – tâm linh của người Việt cổ, được di dưỡng qua năm tháng, ngày càng tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay.

Để góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy truyền thống quí báu đó của dân tộc, Hội Người họ Nguyễn Việt Nam đã tôn phong Đức Thánh Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh là “Biểu tượng ông Tổ họ Nguyễn Việt Nam”./.

 

 

Thư viện ảnh