Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

NHÀ NGUYỄN - LỊCH SỬ THĂNG TRẦM CỦA MỘT DÒNG HỌ

Ngày đăng: 17/04/2013

Nội dung:

 NHÀ NGUYỄN - LỊCH SỬ THĂNG TRẦM CỦA MỘT DÒNG HỌ -

 

KỲ 1: HÙNG CỨ MỘT PHƯƠNG (TS PHAN VĂN HOÀNG)

 

Nhà Nguyễn - lịch sử thăng trầm của một dòng họ - Kỳ 1: Hùng cứ một phương

Họ Nguyễn Phúc đi vào lịch sử VN cách nay tròn 450 năm với sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558). Nhưng câu chuyện lại bắt đầu từ hơn 30 năm trước đó, khi Mạc Đăng Dung chấm dứt nhà Hậu Lê, lập ra nhà Mạc (1527).

Hữu vệ điện tiền tướng quân Nguyễn Kim (cha của Nguyễn Hoàng) trung thành với triều đại cũ, bỏ sang Lào, tôn con của Lê Chiêu Tông lên làm vua, tức Trang Tông (1533). Chẳng bao lâu, đất nước Đại Việt bị chia làm đôi: nhà Mạc (sử gọi là Bắc triều) chỉ còn làm chủ phần đất nay là Bắc bộ; nhà Lê trung hưng (tức Nam triều) quản lý lãnh thổ từ Thanh Hóa trở vào Bình Định ngày nay.

Vào vùng đất mới

Công cuộc trung hưng đang dở dang thì Nguyễn Kim chết (1545). Mọi binh quyền rơi vào tay con rể là hữu tướng Trịnh Kiểm. Kiểm sợ tả tướng Nguyễn Uông (anh của Nguyễn Hoàng) chia quyền nên cho người hãm hại em vợ. Nguyễn Hoàng lo lắng, nhờ chị là Ngọc Bảo (vợ của Kiểm) xin chồng cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Kiểm đang muốn đẩy Nguyễn Hoàng đi xa cho khuất mắt nên đồng ý (1558).

Năm 1570, trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Bá Quýnh được gọi ra giữ đất Nghệ An, Nguyễn Hoàng được giao thêm xứ Quảng Nam. Từ đó, lãnh thổ dưới quyền tổng trấn Thuận - Quảng trải dài từ bờ nam sông Gianh đến đèo Cù Mông (tương ứng với các tỉnh, TP Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay). Đây là vùng đất mới, dân cư thưa thớt, tài nguyên chưa khai thác nên trong buổi đầu Nguyễn Hoàng gặp biết bao khó khăn, thiếu thốn.

Ban đầu Nguyễn Hoàng vào Nam chỉ với ý định bảo toàn mạng sống. Nhưng khi thấy Trịnh Kiểm ngày càng lấn át quyền vua khiến vua Lê chỉ còn là hư vị, Nguyễn Hoàng quyết chí tách khỏi Đàng Ngoài, hùng cứ một phương. Trước mắt, Đàng Trong còn yếu, còn nghèo nên bề ngoài Nguyễn Hoàng phải giả vờ thần phục họ Trịnh. Hằng năm, ông phải nộp đủ các loại thuế (từ năm 1573, thuế thân được quy thành 400 cân bạc và 500 tấm lụa).

Việc đầu tiên của Nguyễn Hoàng là củng cố phòng thủ. Ông cho xây các đồn ở cửa biển để bảo vệ miền duyên hải. Năm 1571, quân Mạc theo đường biển đánh vào Thuận Hóa nhưng bị đẩy lui. Từ đó Mạc không dám tấn công Đàng Trong nữa. Nguyễn Hoàng rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Mấy năm được mùa luôn, trăm họ giàu thịnh”. Giá gạo ở Đàng Trong năm 1608 chỉ 3 đồng tiền một đấu, rất rẻ so với giá gạo ở Đàng Ngoài”.

Nhưng nông nghiệp chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho dân chúng, chính thương nghiệp mới làm đất nước giàu lên một cách nhanh chóng. Trong lúc triều đình nhiều quốc gia châu Á theo đuổi chính sách ức thương (kìm hãm thương nghiệp) thì Nguyễn Hoàng lại khuyến khích việc mua bán, nhất là mua bán với nước ngoài.

Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng năm 1601, khi vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam

“Dân nhờ được yên, công ấy rất lớn”

Tương truyền Nguyễn Hoàng cho sứ giả đến hỏi ý kiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà lý học không trả lời thẳng, nhìn đàn kiến trên hòn non bộ, nói bâng quơ: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một dãy núi ngang trên hòn non bộ có thể làm nơi dung thân muôn đời cho đàn kiến). Nghe sứ giả thuật lại, Nguyễn Hoàng hiểu là Trạng Trình khuyên ông nên đi vào vùng đất bên kia đèo Ngang (Hoành Sơn).

Mặc dù chuyện trên có chép trong Đại Nam thực lục tiền biên, nhiều nhà nghiên cứu không tin là có thật mà do người đời sau bịa đặt, mượn “lời sấm” của Trạng Trình để khẳng định cơ đồ dòng họ Nguyễn sẽ tồn tại dài lâu.

Năm 1592, quân Lê - Trịnh chiếm lại Thăng Long. Vua Lê rời Thanh Hóa (Tây Đô) ra Thăng Long (Đông Đô). Nguyễn Hoàng ra chúc mừng vua. Trịnh Tùng (con của Trịnh Kiểm, lúc này đã chết) muốn “điệu hổ ly sơn”, tâu với vua Lê phong Nguyễn Hoàng làm thái úy hữu tướng, trên danh nghĩa vẫn giữ chức tổng trấn Thuận - Quảng, nhưng phải lưu lại kinh đô vô thời hạn để giúp triều đình đánh dẹp dư đảng nhà Mạc.

Nguyễn Hoàng phải ẩn nhẫn sống cảnh cá chậu chim lồng trong tám năm trời. Năm 1600, nhân có vụ khởi binh chống Trịnh Tùng nổ ra ở Nam Định, Nguyễn Hoàng xin đem quân bản bộ theo đường biển đi đánh, giả vờ thua rồi về thẳng Thuận Hóa. Từ đó, Nguyễn Hoàng không đặt chân lên Thăng Long nữa.

Sau hơn nửa thế kỷ vào Nam, Nguyễn Hoàng đã biến Thuận - Quảng thành một vùng đất phồn thịnh. Chính vua Lê Thế Tông cũng phải khen Nguyễn Hoàng “trấn thủ hai xứ, dân nhờ được yên, công ấy rất lớn”, phong cho ông làm thái úy, tước Đoan quận công.

Lê Quý Đôn làm bồi tụng (chỉ sau tể tướng một bậc) trong phủ chúa Trịnh, đương nhiên không có cảm tình với Đàng Trong, nhưng đã viết về Nguyễn Hoàng trong Phủ biên tạp lục với lời lẽ ca ngợi: “Đoan quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối... Chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yên tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp”.

Năm 1613 Nguyễn Hoàng 88 tuổi, dặn dò con là Nguyễn Phúc Nguyên trước khi mất: “Đất Thuận - Quảng phía bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng, sắt; biển có cá, muối. Thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ dựng xây cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”.

Vâng lời di huấn của cha, Nguyễn Phúc Nguyên “sửa thành lũy, đặt quan ải, vỗ về quân dân, trong ngoài đâu cũng vui phục” (Đại Nam thực lục tiền biên). Khi thấy đủ mạnh, Nguyễn Phúc Nguyên công khai không thần phục họ Trịnh nữa: không nộp thuế, không nhận sắc, không ra Thăng Long mà cũng không gửi con thay mình ra Thăng Long như họ Trịnh đòi. Trịnh đem quân vào đánh nhưng cả sáu lần đều không thành công nên phải rút về, chấp nhận sông Gianh là ranh giới của hai miền. Đến đây, giấc mộng xây dựng “cơ nghiệp muôn đời” của Nguyễn Hoàng được thực hiện.

 

KỲ 2: CHUYỆN VỀ MỘT CÔNG NỮ HỌ NGUYỄN (TS PHAN VĂN HOÀNG)

 

Hơn ba thế kỷ sau, một công nữ họ Nguyễn cũng chấp nhận “nước non ngàn dặm ra đi” làm dâu xứ người, tạo điều kiện cho người Việt vào sinh sống trên lưu vực sông Đồng Nai, dẫn đến sự thành lập phủ Gia Định năm 1698 - cách nay tròn 310 năm. Bất công thay tên của bà không được biết đến, nói chi việc xây dựng một tượng đài để ghi công.


Các đại biểu dự hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử VN”  (tổ chức tại  Thanh Hóa tháng 10-2008) và đông đảo bà con xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa thắp hương tại lăng Trường Nguyên, tương truyền là nơi an táng Nguyễn Kim, thân phụ chúa Nguyễn Hoàng - Ảnh: Việt Dũng


Cuộc hôn nhân của công nữ

Năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả một con gái của mình cho Araki Sutaru - một thương nhân Nhật Bản. Năm sau, ông lại gả con gái khác cho quốc vương Chân Lạp Chey Chêtthâ II. Lúc đó, Chân Lạp đang là nạn nhân của nước láng giềng phía tây. Cứ vài chục năm một lần, quân Xiêm lại tràn sang đánh chiếm Chân Lạp, đốt phá, bắt người, cướp của. Vì vậy, năm 1620 vua Chey Chêtthâ II quyết định cầu hôn con gái vị chúa Đàng Trong, với ý định tìm một chỗ dựa về chính trị và quân sự nhằm đối phó với các cuộc xâm lược của quân Xiêm.

Theo Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp, cô công nữ Đàng Trong có sắc đẹp tuyệt trần. Mặt khác, nhờ được giáo dục từ nhỏ theo truyền thống đạo đức Phật giáo (Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên đều sùng mộ đạo Phật) nên cô hội nhập nhanh chóng vào môi trường văn hóa xứ chùa tháp, nơi tuyệt đại đa số dân chúng là phật tử. Do đó, tuy Chey Chêtthâ II có nhiều vợ, cô gái Thuận Hóa thùy mị nết na vẫn được vua yêu quý nhất và được phong làm đệ nhất hoàng hậu.

Để đỡ nhớ quê hương, cô xin vua cho phép người Việt được tự do đến sinh sống trên lãnh thổ Chân Lạp. Họ buôn bán hay làm thợ thủ công ở vùng kinh đô, đông đảo hơn là những người đến khai phá vùng đông nam Chân Lạp.

Lãnh thổ Chân Lạp tương đối rộng nhưng dân số ít, nên người nước này sống tập trung ở vùng đất màu mỡ xung quanh biển Hồ và dọc theo sông Mekong. Theo nhà sử học Pháp Philippe Devillers, cho đến lúc đó “đồng bằng sông Cửu Long chỉ là đầm lầy hôi thối, những bãi bùn rộng mênh mông với những cây đước”. Từ cuối thế kỷ 16, một số người Việt rời quê hương đến đây làm ruộng, đánh cá...

Cuối năm 1621, đầu 1622, vua Xiêm xua quân sang đánh Chân Lạp. Nhờ thuyền chiến, vũ khí và nhất là nhờ quân tình nguyện do Đàng Trong viện trợ, Chey Chêtthâ II đã đẩy lui hai đạo quân Xiêm. Năm sau, vua Xiêm cho quân tấn công Chân Lạp một lần nữa nhưng lại bị tổn thất nặng nề, phải rút về nước. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gửi sang kinh đô Udong một sứ bộ mang theo nhiều tặng phẩm để chúc mừng chiến thắng của Chân Lạp, đồng thời đảm bảo với Chey Chêtthâ II về sự ủng hộ và giúp đỡ của Đàng Trong cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước chùa tháp.

Sứ thần Đàng Trong cũng chuyển cho quốc vương Chân Lạp một quốc thư ngỏ ý muốn mượn Kas Krobei (Sài Gòn) và Prei Nokor (Chợ Lớn) để lập hai trạm thuế thương chính trong năm năm. Chey Chêtthâ II hỏi ý kiến các quan đại thần. Tất cả đều đồng ý. Nhà sử học người Pháp Henri Russier cho biết bà hoàng hậu Đàng Trong đã năn nỉ chồng chấp thuận đề nghị của cha mình.

 

Năm 1624, bà sinh hạ công chúa Ang Na Ksatri. Công chúa rất được vua yêu quý. Nhưng khi hạnh phúc đang tràn trề thì tiếc thay Chey Chêtthâ II băng hà. Cái chết của nhà vua đẩy Chân Lạp vào một giai đoạn mất ổn định chính trị nội bộ. Tuy nhiên, với đức độ và trí thông minh, bà thái hậu Đàng Trong đã vượt lên mọi tranh chấp phe phái, được các ông hoàng trẻ Chân Lạp kính trọng và nghe theo.

Bà giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị của vương quốc. Hoàng tử Cau Bana Cand (sử Việt gọi là Nặc Ông Chân) - một người con của Chey Chêtthâ II với bà vợ người Lào - cưới vợ người Mã Lai theo đạo Hồi nên bỏ đạo Phật để theo đạo của vợ. Năm 1642, Cand dựa vào một nhóm người Mã Lai và Chiêm Thành theo đạo Hồi nổi loạn, giết vua Ang Nan (rể của bà thái hậu Đàng Trong) để cướp ngôi. Cand còn giết nhiều người khác (trong đó có chú ruột là nhiếp chính vương Utey) một cách dã man.

Hai người con của Utey là Ang Sur và Ang Tan (sử Việt gọi là Nặc Ông Xô và Nặc Ông Tân) cầm đầu một cuộc nổi dậy để lật đổ Cand và báo thù cho cha. Cuộc nổi dậy không thành công, Sur và Tan bí mật đến gặp bà thái hậu Đàng Trong, nhờ bà xin chúa Nguyễn giúp đỡ. Bà đồng ý, viết thư cho chúa Nguyễn Phúc Tần (cháu gọi bà bằng cô).

Đáp ứng yêu cầu của hai hoàng thân Chân Lạp, chúa Nguyễn gửi 3.000 quân sang bắt Cand đưa về Quảng Bình. Cand xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn trả tự do cho Cand. Trên đường về Udong, Cand nhuốm bệnh và qua đời ở Bat Anhchien ven sông Vàm Cỏ Tây. Ang Sur và Ang Tan trở thành chính vương và phó vương của Chân Lạp. Nhớ ơn bà thái hậu và chúa Nguyễn, hai ông luôn tạo điều kiện thuận lợi để di dân người Việt làm ăn trên đất nước mình, số lượng người Việt vào đây mới bắt đầu tăng lên đáng kể.

Theo GS Nguyễn Đình Đầu trong Địa chí văn hóa TP.HCM (do GS Trần Văn Giàu chủ biên), cho đến cuối thế kỷ 17, đã có hơn 4 vạn hộ dân Việt sống trên một địa bàn rộng nghìn dặm ở lưu vực sông Đồng Nai. Người Việt trở thành thành phần dân cư đa số tại đó.

Tên người chưa được sử ghi

Tất cả những gì chúng ta biết được về bà - mà người Chân Lạp gọi là Ang Cuv - là nhờ Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp và các công trình nghiên cứu của các nhà sử học nước ngoài. Vì một lý do nào đó, các sử gia triều Nguyễn hoàn toàn không nhắc đến cuộc hôn nhân Việt - Chân Lạp này (cũng như các cuộc hôn nhân Việt - Nhật Bản và Việt - Chiêm Thành diễn ra trong thời kỳ đó). Vì lẽ đó cho đến nay chúng ta không biết bà tên gì.

Trước đây, có người cho rằng tên bà là Ngọc Vạn. Nhiều người cũng đã chấp nhận như vậy. Thật ra cái tên đó chẳng qua là do phỏng đoán, chứ không căn cứ vào một tài liệu gốc nào.

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, chúa Sãi có bốn con gái. Hai công nữ thứ nhất và thứ tư là Ngọc Liên (vợ của phó tướng Nguyễn Phúc Vĩnh, tức Nguyễn Hữu Vĩnh, trấn thủ dinh Trấn Biên) và Ngọc Đĩnh (vợ của phó tướng Nguyễn Phúc Kiều, tức Nguyễn Cửu Kiều, trấn thủ dinh Quảng Bình). Đối với hai công nữ thứ hai và thứ ba là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi “khuyết truyện” (không có tiểu sử). Như vậy, trong hai công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, ai là hoàng hậu xứ chùa tháp, ai là phu nhân của thương gia Nhật Bản?

Tên bà vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

 

KỲ 3: TRUNG TÂM GIAO THƯƠNG (TS PHAN VĂN HOÀNG)

Chỉ hơn 10 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Hoàng sau đó, vùng đất Thuận Hóa đã thay da đổi thịt. Bảng nhãn Lê Quý Đôn ghi nhận trong Phủ biên tạp lục (bản dịch của Viện Sử học): “Chợ không bán hai giá, người không ai trộm cắp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán, đổi chác phải giá (…), trong cõi đều an cư lạc nghiệp”.

“Ngọn đũa thần” nào đã mang lại sự đổi thay đó?

Kiếm được rất nhiều mối lợi

So với Đàng Ngoài, Đàng Trong là vùng đất mới, tiềm năng thiên nhiên chưa được khai thác, nhân lực tại chỗ vô cùng thiếu thốn. Để đối phó với họ Trịnh ở phía Bắc, Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đời sau phải tìm phương cách làm cho Đàng Trong nhanh chóng giàu mạnh, đó là phát triển thương mại, mở rộng ngoại thương.

Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên người ta còn gọi là cầu Nhật Bản. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn với ý nghĩa là “bạn phương xa đến”. Trong ảnh: Chùa Cầu lung linh trong đêm hội Phố Hoài - Ảnh: Hoàng Duy
 

Trong luận án tiến sĩ “Xứ Đàng Trong - lịch sử xã hội và kinh tế Việt Nam thời Nguyễn ở các thế kỷ 17-18”, Li Tana nhận định (bản dịch của Nguyễn Nghị): “Đối với các nước khác ở Đông Nam châu Á, vấn đề ngoại thương có thể chỉ là vấn đề làm giàu, nhưng đối với Đàng Trong vào buổi đầu, đây là vấn đề sống còn”.

Đây là một chính sách mới so với các triều đại trước và kể cả với vương triều Nguyễn sau này, vì bao triều đại trước vẫn chủ trương “lấy nông nghiệp làm gốc” (dĩ nông vi bản), không mặn mà lắm với việc buôn bán với nước ngoài, chỉ cho phép thuyền buôn ngoại quốc cập bến tại một số cảng chứ không cho vào sâu trong nội địa.

Cristophoro Borri, một nhà truyền giáo người Ý sống ở Đàng Trong từ 1618-1622, nhận xét (bản dịch của Hồng Nhuệ và Nguyễn Nghị): “Chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc (…) cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ”. Các chúa Nguyễn chủ động mời gọi các nước đến mua bán với Đàng Trong.

Ngày nay chúng ta có thể tìm thấy trong sách Ngoại phiên thông thư của Kôndôh Juuzôu nhiều công hàm của các chúa Nguyễn gửi cho chính quyền Nhật Bản từ năm 1601-1694. Công hàm đầu tiên là của chúa Nguyễn Hoàng gửi tướng quân Tokugawa Ieyasu bày tỏ lòng mong muốn thông thương Đàng Trong - Nhật Bản.

Năm 1617-1618, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng gửi thư mời Công ty Đông Ấn của Hà Lan sang buôn bán… Borri viết: “Chúa Nguyễn thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán (với nước ngoài) này bằng thuế hàng hóa và thuế hải khẩu đặt ra và cả nước đều kiếm được rất nhiều mối lợi không thể tả hết”.

Đàng Trong đã sớm trở thành một trung tâm giao thương quốc tế. Ngoài những khách hàng quen thuộc đến từ Trung Hoa, Chân Lạp, Xiêm, Batavia (Indonesia), Đàng Trong còn đón nhận thương nhân các nước Nhật Bản, Bồ Đào Nha (từ thuộc địa Macao), Tây Ban Nha (từ thuộc địa Philippines), Hà Lan, Anh, Pháp…

Ngoại thương kích thích sự phát triển sản xuất của nhiều địa phương. Các làng nghề xuất hiện ngày càng nhiều để cung ứng cho hàng xuất khẩu. Tính chất của nền kinh tế từ đó thay đổi: từ sản xuất tự cấp tự túc chuyển sang sản xuất hàng hóa. Một số đô thị ra đời: Đà Nẵng, Tam Kỳ (Quảng Nam), Thanh Hà (Thừa Thiên - Huế), Nước Mặn (Bình Định)…, nhưng thịnh vượng nhất là Hội An.

Phần mộ ông bà Araki Sutaru ở Nagasaki - Ảnh: Ma Cẩm Long Hà

Hải cảng đẹp nhất Đàng Trong

Borri mô tả Hội An là “hải cảng đẹp nhất Đàng Trong, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới”, là “một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một của người Tàu, một của người Nhật”. Một thương nhân Quảng Đông nói với Lê Quý Đôn: “Thương nhân Trung Hoa từ Quảng Nam về thì các hàng hóa không món gì không có. Hàng hóa sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy đường bộ, đi thuyền đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế khách phương Bắc (tức Trung Hoa) đều đến tụ tập ở đây để mua về nước... Hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được”.

Các chúa Nguyễn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân nước ngoài, nhất là thương nhân Nhật Bản. Đàng Trong trở thành bạn hàng số một của xứ Phù Tang. Năm 1619, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái cho thương nhân Nhật Bản Araki Sutaru, ban cho Araki tên Hiển Hùng và cho mang họ chúa (Nguyễn Phúc). Sau đó, Araki đưa vợ về thăm quê ở Nagasaki. Tại đây, bà có tên Oukakutome (Vương Gia Cửu Hộ Mại) và còn được gọi một cách thân mật là Anio. Không may, từ năm 1636, vì nhiều lý do, nhà cầm quyền Nhật ra lệnh tỏa quốc cấm thương nhân Nhật ra nước ngoài buôn bán. Vì vậy, hai vợ chồng Nhật - Việt không còn dịp trở lại Đàng Trong nữa.

Bà Anio qua đời ngày 7-11-1645, còn ông mất trước đó chín năm. Mộ hai ông bà Araki Sutaru hiện vẫn còn ở Nagasaki. Hiện nay Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki vẫn còn lưu giữ một gương soi của bà Anio mang từ Đàng Trong qua. Vì Quốc sử quán của nhà Nguyễn hoàn toàn không nói tới cuộc hôn nhân Đàng Trong - Nhật này nên đến nay chúng ta vẫn chưa tìm ra tên chính xác của bà.

Công cuộc mở cửa của các chúa Nguyễn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn làm phong phú đời sống văn hóa ở Đàng Trong. Hội An với những di tích văn hóa nổi bật tồn tại qua năm tháng đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.

 

(KỲ 4): TRÊN MIỀN ĐẤT DỰNG NGHIỆP (Tác giả: LÊ ĐỨC DỤC)

 

Trên miền đất dựng nghiệp

Tháng 6-1904, linh mục Leopold M. Cadière về làm quản hạt Dinh Cát (xứ Quảng Trị). Những năm tháng ở đây ông đã nghiên cứu về các chúa Nguyễn trong buổi đầu và sau đó trên tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’École Francaise d’Extrême Orient), trong bài “Le mur de Đồng Hới” in năm 1906, Cadière cho biết thời gian chúa Nguyễn Hoàng đến Ái Tử trong khoảng từ ngày 10-11 đến 10-12 (dương lịch) năm 1558. 450 năm đã qua, trải qua bao nhiêu dâu bể phân tranh, bao thăng trầm lịch sử, trên miền đất Nguyễn Hoàng chọn làm “kinh đô” khởi nghiệp ấy còn lại gì lưu dấu tiền nhân? Còn những gì tưởng niệm tiền nhân?

Buổi đầu đất lạ

Bây giờ khách ngược xuôi trên đường thiên lý Bắc - Nam, qua khỏi thị xã Đông Hà (nếu đi từ Bắc vào) hay vượt qua thành cổ Quảng Trị (đi từ Nam ra) sẽ gặp một thị trấn nhỏ nằm bên sông Thạch Hãn với tấm biển đề: “Thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong”. Chúng tôi tìm về Ái Tử, dấu tích của chúa Nguyễn Hoàng không còn nhiều ở đây nhưng vẫn còn đó những thao thức về miền đất “dung thân” của chúa Nguyễn.

Cách Ái Tử khoảng 60km về phía nam theo quốc lộ 1A là kinh thành Huế lộng lẫy vàng son, lưu dấu vang bóng vương triều nhà Nguyễn. Kinh đô Huế với đền đài cung điện giờ đã là Di sản văn hóa thế giới, còn với sử sách, Ái Tử là kinh đô đầu tiên của cơ nghiệp nhà Nguyễn, là thủ phủ khai nguyên của xứ Đàng Trong. Thời gian gần 70 năm làm thủ phủ chưa phải là dài, nhưng ý nghĩa của miền đất này không đo đếm bằng thời gian mà chính là những gì nó đã mang lại cho nhà Nguyễn trong buổi “vạn sự khởi đầu nan”. Bởi vậy khi Huế được là “chính dinh”, các chúa Nguyễn vẫn không quên tôn phong cho đất Ái Tử này là “cựu dinh”.

Mang theo câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng lên thuyền về phương Nam với nhiều tráng đinh, nghĩa dũng quê nhà huyện Tống Sơn (Thanh Hóa) cùng nhiều cư dân miền Thanh Nghệ. Câu sấm của Trạng Trình đã được sử sách nhắc đến nhiều. Nhưng sao ngày cất bước ra đi của 450 năm trước ấy, khi đã vượt qua “Hoành Sơn nhất đái”, Đoan quận công Nguyễn Hoàng đã không hạ trại ở phía nam đèo Ngang? Không dừng lại bên sông Gianh? Bên bờ Nhật Lệ? Hay xứ cửa Tùng phì nhiêu màu mỡ mà lại đi sâu vào miền Ái Tử bốn bề cát trắng chơ vơ?

Đại Việt sử ký toàn thư bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) viết về cuộc ra đi này chỉ mấy dòng ngắn ngủi: “Mậu Ngọ - tháng mười, thái sư Trịnh Kiểm vào chầu dâng biểu tâu xin sai con thứ của Chiêu Huân tĩnh công (tức Nguyễn Kim) là Đoan quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hóa để phòng giặc phía đông”.

Học giả Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong viết chi tiết hơn: “Đoan quận công và đoàn tùy tùng từ cửa Việt lên sông Quảng Trị, đóng dinh tại làng Ái Tử. Năm ấy ông 34 tuổi. Khi Đoan quận công mới đến Ái Tử, dân sở tại đem dâng bảy vò nước trong. Nguyễn Ư Dĩ (quan thái phó, cậu ruột của Nguyễn Hoàng) nói với Đoan quận công rằng: Ấy là điềm trời cho ông nước đó!”.

Thư viện ảnh