Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

Sơn Tinh là người con Họ Nguyễn

Ngày đăng: 29/01/2013

Nội dung:

Tại Yên Bái, Quý Minh Đại Vương được thờ chung (Tam vị - ba anh em) ở một số đình, đền (đình Mường A, đình cả Quy Mông, Đại Đồng Vũ Miếu). Hiện tại đình Phúc Hoà, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái còn lưu giữ được ngọc phả về Đài Vàng Quý Minh Đại Vương và các vị thần được tôn thờ bằng văn bản Hán Nôm. Bản dịch của Trương Thị Thuỷ, Hoàng Thúy Ngà, Hoàng Giáp của Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch tháng 7/2010 như sau:

 

"Nước Việt xa, trời Nam mở vận, Thánh tổ xây dựng cơ đồ, 18 đời truyền nối, trải hơn 2000 năm thịnh trị, đời đời cha truyền con nối, đều lấy hiệu là Hùng Vương, ngọc bạch xa thu núi sông thống nhất. Thực là tổ của Bách Việt ta.

 

Khi đó, cơ đồ đất nước truyền đến đời thứ 18, được 2622 năm, thuộc đời Hùng Duệ Vương. ở động Lăng Sương, huyện Gia Hưng, phủ Hưng Hoá, đạo Sơn Tây có nhà họ Nguyễn, tên Ban, bà vợ họ Tạng tên Hoan, là nhà tích đức hành thiện, nhưng chưa có con nối dõi. Khi đó Nguyễn Công đã 60 tuổi, bà vợ đã 50, ông bà chưa từng làm phương hại đến ai, không bao giờ tơ hào phần lợi cho mình, luôn khởi tâm làm điều tốt lành. Ông có người anh trai tên là Nguyễn Cao Hạnh, ngoài 70 tuổi mà cũng không có con. Một hôm, nhân ngày giỗ của tổ tiên, anh em cùng than rằng: "Tội bất hiếu không có con là tội lớn, nếu như sau này chết đi, biết có ai là người hương khói cho tổ tiên, cha mẹ? Nếu có thể tán tài để cầu được con nối dõi thì cũng xin được theo". Thế là bèn đem tiền của phát cho người nghèo. Đến tết, mùa xuân Thái hoà, khắp nơi hoa nở, người người vui vẻ, anh em rủ nhau lên núi Nghĩa Lĩnh chơi, khi trở về xuống chân núi, bỗng thấy trên núi có một cụ già tóc bạc, đeo một bầu rượu, cầm một chiếc la bàn. Hai anh em (tức Nguyễn Hạnh và Nguyễn Ban) nhìn và nói rằng: "Phải chăng đó là tiên lão bồng lai thần linh Tản Lĩnh, chứ không phải người thường? Nhà ta tích thiện thấu tới lòng trời, nay trời xanh giáng tiên ông báo cho biết là nhà chúng ta tích thiện là đúng, không phải nghi ngại gì nữa". Nói xong, hai ông liền đi đến trước mặt tiên ông nói: "Nay may gặp được tiên ông, nghìn năm hy vọng, chúng tôi đường đột, khiếm nhã xin tha. Anh em chúng tôi đức mỏng, tuổi đã cao mà muộn đường con cháu. Gặp tiên ông ở đây như mây mù gặp ánh sáng, thấy hình dáng tiên ông khác người thường, ắt là có phép thuật thần thánh, một lòng xin tiên ông mở rộng tâm đức, thương xót tới chúng tôi. Vạn lần xin nhờ vào sức của tiên ông". Cụ già nói: "Ta không phải thần, không phải thánh, là người nhàn hạ, thích thú tiêu dao non nước, xem xét phong thuỷ hoạ phúc thế gian, là người tạo phúc, không có ý gì khác. Nay bọn ngươi gặp ta ở đây, là đức lớn của nhà các ngươi. Ta thấy trên núi Thu Tịch có thế đất rất quý, nếu an táng ở đất đó, không quá 100 ngày sau sẽ sinh ra thánh tử. Các ngươi hãy thu thập hài cốt tiên nhân, bí mật mang tới táng tại đó, chớ để lộ".

 

 Hai ông nghe thấy thế, rất vui mừng, muốn hành lễ bái tạ thì cụ già biến mất. Hai ông trở về nhà, thu hài cốt của cha mẹ an táng tại đó. Xong việc, lập đàn hành lễ cầu đảo trời đất thần linh, xin sớm được ứng điều lành, được ban phúc, đội ơn mưa móc, trông cậy vào sự giúp đỡ của Trời, Thần. Khấn xong, đêm hôm đó ông Ban mông lung thiếp đi, bỗng thấy một tướng thần cưỡi hổ đen, hai tay ôm hai đứa trẻ từ phía ngoài đi đến chỗ ông nằm, nói: "Nhà ngươi tích thiện, trời đã thấu hiểu nên ban cho hai đứa con, sau này tất có tài giúp nước, an dân". Nói xong, thần tướng bay lên không trung. Ông Ban tỉnh giấc, biết là nằm mộng, tất có điều lành, ông trời không phụ, phúc địa hưng thịnh. Hai vợ chồng cùng nhau loan phượng yến oanh, cầm sách hoan ca. Từ đó, bà có thai 11 tháng, đến ngày 20/7 sinh ra hai người con trai, diện mạo khôi ngô tuấn tú, giống như hai đứa trẻ trong mộng, thân thể to lớn, tay chân chắc khoẻ. Người cha rất vui vì đã làm điều phúc, ông trời đã ban cho hai con nên đặt tên người anh là Sùng, em là Hiển.

 

 Năm đó, người anh của ông Ban là Nguyễn Hạnh cũng sinh được một con trai, sắc mặt khôi ngô, tướng mạo cao lớn, Nguyễn Hạnh đặt tên là Tuấn. Ba anh em họ thể chất lẫm liệt phi thường, có khí phách anh hùng. Đến năm 12 tuổi, tìm thầy học đạo, học được vài năm văn chương thông suốt, võ lược tinh thông. Phàm trên từ thiên văn, dưới đến địa lý không gì là không biết, không vật gì là không hiểu. Người đương thời thường nói nhà đó có phúc gì mà sinh những người con văn võ kim toàn, tài giỏi như vậy?

 

 Than ôi! Biến đổi khôn lường, hoạ vô đơn chí! Năm ba ông lên 16 tuổi thì cha mẹ đều qua đời. Ba ông gào khóc đất trời, làm lễ, chọn nơi cát địa an táng, gia đình hương khói thờ phụng ba năm, gia tài đều hết. Từ đó sớm tối sống trong cảnh thiếu thốn, kiếm củi sinh nhai, nhưng vẫn an bần lạc đạo nuôi chí lớn. Một hôm, ba ông đều than rằng: "Bần tiện như vậy, không thể sống được, sao có thể tồn tại được?". Bèn cùng nhau đi đến núi thiêng Tản Lĩnh làm con nuôi của Ma thị Cao Sơn Thần Nữ, ngày ngày được nuôi dưỡng bằng rau thái, rau tần. Sau được ban cây gậy thần của Thái Bạch Thần Tinh và sách của Long Đình Thuỷ Đế, cứu được hoạ, tạo phúc thế gian, báo đáp công ơn của mẹ nuôi. Ma thị cho là hiếu tử, bèn lập chúc thư giao ruộng đất, khe suối, kỷ vật núi rừng cho Tuấn Công. Từ đó bèn đổi hiệu là Tản Viên Sơn Thánh. Sơn Thánh chia đất cho hai em: Sùng Công ở Non Sơn, hiệu là Tả Khiên thần, Hiển Công ở Lãng Sơn, hiệu là Hữu Khiên thần.

 

                    Từ lâu, miếu thờ các vị Thần trên đã được nhân dân xây dựng thành đình Phúc Hoà toạ lạc ở xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái và được thờ phụng thường niên. (nguồn Văn học nghệ thuật Yên Bái)

 

Người sưu tầm:

TS. Nguyễn Văn Kiệm

 

 

 

 

 

                                                      

 

 

Thư viện ảnh