Video
Công đức
Giới Thiệu Chung

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG ĐỨC THÁNH TẢN VIÊN XỨNG ĐÁNG LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ THẾ GIỚI

Ngày đăng: 25/10/2013

Nội dung:

 Đền Ngự Dội 

 Đền Ngự Dội nằm ở đầu thôn Duy Bình Bìnhxã Vĩnh Ninhhuyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc trên diện tích bãi bồi sông Hồng, quay mặt về hướng Tản Lĩnh. Theo truyền thuyết Sơn Tinh, từ khi có hành cung ở Đền Và, Thánh Tản thường lui tới vùng đất bên kia sông Hồng. Một lần, trên đường trở về Đền Và, Ngài dừng chân nghỉ ngơi tại một xóm nhỏ ven sông. Tuy đang tiết xuân mát mẻ, nhưng vì đi đường xa gió bụi, nên Ngài muốn tìm nước để tắm giội đôi chút. Nhìn quanh đấy, thấy một cô gái gánh đôi sọt đi cắt cỏ, Ngài đến bên lựa lời chào hỏi rồi ngỏ ý nhờ cô gánh cho một gánh nước sông Hồng. Cô gái tưởng chàng trai đùa lỡm nên cười ngặt nghẽo. Nhưng trước vẻ chân thực của chàng trai cô gái rất ngạc nhiên rồi chối từ vì sọt của cô chỉ đựng được cỏ, làm sao đựng được nước. Ngài cười và bảo cô cứ giúp thử xem sao. Quả nhiên, đôi sọt đựng được nước thật. Trong khi Ngài thoả thuê tắm giội thì cô gái chạy về loan báo với dân làng có chuyện lạ đời. Khi mọi người kéo đến nơi thì người tắm đã đi mất, xung quanh còn phảng phất hương trầm. Lúc ấy dân làng mới bừng tỉnh, nhận ra là chính đức thánh Tản vừa mới qua đây.

Lại nghe nói, khi mới gặp cô gái, nhân chuyện cắt cỏ, Ngài còn bày cho cô cách làm liềm thay cho con dao cô vẫn dùng để cắt được dễ hơn, nhanh hơn.

Ghi nhớ dấu tích và công đức của Ngài, dân làng Duy Bình đã dựng ngôi đền và đặt tên là đền Ngự Giội, ý muốn nhắc việc Ngài đã đến ngự và tắm giội ở đó trước khi về đền Và.

Theo trang du lịch Vĩnh Phú (tháng 2/2012) Đền Ngự Dội thờ tam vị Đại Vương là: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương. Lễ hội đền Ngự Dội diễn ra vào các ngày 14, 15 tháng Giêng hàng năm, tuy nhiên cứ vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì 8 làng : Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai (phường Trung Hưng, Sơn Tây); Phù Sa, Phù Nhi (xã Viên Sơn, Sơn Tây) rước kiệu sang đền Dội, còn vào những năm khác thì đền Dội lại rước kiệu sang đền Và.

đền ngự dội

Đền Ngự Dội (nguồn ảnh trang du lịch Vĩnh Phú)

 

Lễ rước trong lễ hội đền Ngự Dội

Chiều ngày 14 tháng giêng, đoàn rước nước xuất phát từ đền Ngự Dội tiến ra bến sông Hồng lấy nước về làm lễ Mộc Dục cho thánh Tản Viên.  Đoàn rước gồm hai kiệu là kiệu lễ và kiệu chóe, đi đầu đội rước là đội rồng, tiếp theo là đội cờ, người thổi tù và, trống chiêng, phường bát âm, bát bửu, kiệu chóe, kiệu lễ, quan viên, dân làng… Ra tới bờ sông, kiệu chóe bắt đầu xuống thuyền. Đoàn rước bắt đầu chạy trên sông, chạy mấy vòng liền cho đến khi chủ tế múc xong nước vào chóe. Khi chín gáo nước tinh khiết đã được ông chủ tế múc từ vòng quang do cô gái đồng trinh thả dưới lòng sông vào chóe trong tiếng reo hò của đoàn người. Trời đã về chiều, đoàn rước quay đầu cập bến về đền Ngự Dội.

 Ngày hôm sau, lễ rước ngai Thánh đi từ mờ sáng, từ đền Và rước qua cầu Cộng, vào thị xã Sơn Tây, ra bến sông để xuống thuyền qua sông Hồng sang địa phận xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường. Khi thuyền rước kiệu Thánh cập bờ, lá cờ ở đầu kiệu phất về phía bắc sông Hồng, lúc đó cả khúc sông vang lên tiếng reo hò hân hoan, người dự hội ùa ra đón kiệu Thánh với tất cả lòng tôn kính. Đoàn rước xếp thành một dãy dài với 8 kiệu, rước đi trong không khí tưng bừng, náo nhiệt, khua chiêng, gõ trống và ca hát… Khi đoàn rước về đến đền Ngự Dội, cũng là lúc diễn ra lễ khai hội cùng lễ tiến đón và lễ tế. Nhân dân hai bên bờ sông Hồng hòa mình vào trong không khí linh thiêng của lễ hội, tham gia các trò chơi dân gian như cờ tướng, chọi gà, đánh đu... Khi lá cờ ở cổng đền phất về phía sông Hồng, đoàn người lại cùng nhau rước kiệu Thánh trở về bên đền Và ở bên kia sông Hồng.

lễ hội đền ngự dội

Hình ảnh lễ rước trong lễ hội đền Ngự Dội (nguồn ảnh trang du lịch Vĩnh Phú)

 Đền Tranh (Bắc Cung Thượng)nằm trên địa phận thôn Hoàng Thạch, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc. Đền thờ “ Tam vị Đại Vương” (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh). Đền được xây dựng vào đầu thế kỷ IV; được tôn tạo vào các triều đại : Lý (1038); Hậu Lê (1469 và 1479), Mạc (1538)… Đền được hầu hết các triều đại phong sắc và năm 1993 được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận di tích văn hoá.

Đền Tranh thờ đức Thánh Tản Viên Sơn từ thời Hùng Vương dựng nước. Vua Hùng Vương thứ 18 sinh được hai con gái. Công chúa Tiên Dung kết hôn cùng chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Công chúa Ngọc Hoa lập lầu kén rể, cưới được Sơn Tinh. Khi đó, Thục Phán dấy binh xâm chiếm nước Văn Lang, vua Hùng muốn nhường ngôi cho con rể nhưng ông chỉ nhận giúp nước chứ không làm vua. Sơn Tinh đánh đuổi quân Thục về vùng Đông Lỗ và bến Vàng. Thấy địa thế đẹp, ông truyền cho quân nghỉ, lập ngôi đền nhỏ cầu phúc cho dân và tiến quân về triều đình báo công, khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán, kết mối bang giao hữu hảo. Sau này, nhân dân thờ Tản Viên Sơn Thánh tại ngôi đền này.

Đền Tranh có vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính. Đền nằm trên một khu đất cao so với xung quanh. Thế đất bằng phẳng, núp mình dưới bóng những cây cổ thụ xanh um, trước mặt đền là những cánh đồng màu mỡ. Phía sau đền, xa xa là dãy núi Tam Đảo bồng bềnh mây trắng.

Đền được kiến trúc theo kiểu chữ đinh (J), gồm hai toà tiền tế và hậu cung. Hai cung nhỏ nằm sát  một ngôi chùa khác, ở đây cũng có gian riêng thờ Phật, thánh. Vị trí chính của ngôi đền là toà tiền tế thờ Tam Vị Đại Vương. Ở đây con lưu giữ được một số tác phẩm điêu khắc bằng gỗ và một số đồ thờ bằng đồng có giá trị mỹ thuật cao. (Báo Vĩnh Phúc 24/3/2012)

 

 Đền Tranh - Bắc Cung Thượng  (ảnh nguồn Trung tâm nghiên cứu lý học đông phương)

 Hằng năm, vào các ngày Rằm tháng Giêng, ngày 6-2 và 6-8 (âm lịch), đền Tranh lại tưng bừng tổ chức lễ hội với hình thức diễn xướng, khai sắc nhắc lại công lao đức Thánh Tản Viên; tiến hành nghi lễ nông nghiệp như gieo hạt, làm đất, chăm bón... cầu mùa màng bội thu. Trong lễ hội diễn ra nhiều trò chơi đu tiên, bơi thuyền, bắt vịt, lăn vòng, leo cây, vật, cờ tướng, thổi hiệu cốc quân... thu hút đông đảo nhân dân tham gia, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa vui tươi, lành mạnh và giáo dục truyền thống đoàn kết cho thế hệ trẻ.

Còn hàng ngàn đình thờ miếu mạo ở khắp nới trên đất Việt này đã thờ Đức Thánh Tản Viên cùng Cao Sơn, Quý Minh.

Sơn Tinh biểu trưng cho tinh thần, dũng khí của dân tộc. Tục thờ cúng Đức Thánh Tản Viên - Sơn Tinh đã trở thành một tín ngưỡng của người dân Việt từ hàng ngàn năm trước, hiện tại và sau này. Tín ngưỡng thờ cúng này đã trở thành một di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt Nam và cần được gìn giữ, bảo tồn và xứng đáng là di sản văn hoá phi vật thể Thế giới

 

 

Thư viện ảnh